XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Bản Tình Ca Xót Xa


Phan_3

Lâm cười, vỗ vỗ lưng Huấn như vừa vui đùa, vừa an ủi, khích lệ thằng bạn.

Còn Ngôn vẫn im lặng. Câu chuyện xuất phát từ anh, nhưng bây giờ đã chuyển sang Huấn. Ngôn không bị mấy thằng trêu đùa nữa. Anh có một vài khoảnh khắc nhỏ để ngẫm về bản thân mình. Tuy cảm giác của anh đối với Giang Thảo vẫn luôn khác lạ so với các cô gái bình thường – trong con mắt Ngôn, vóc dáng chân ngắn, người ngắn, mặt mũi không có gì nổi bật nghĩa là bình thường – nhưng trái tim Ngôn giờ đây không còn vương vấn gì hình ảnh hây hây ấy nữa. Trong lòng anh, những xúc cảm, những lời nói sâu kín nửa kìm nén, nửa muốn bộc bạch với Giang Thảo trước đây đã không còn tồn tại. Anh đã coi cô cũng giống như bất kỳ một người bạn học nào khác – bình thường như mọi sự vẫn luôn bình thường. Không phải vì câu chuyện anh vừa mới được nghe từ Huấn rằng Thảo đã có người yêu, nhưng chỉ vì trong lòng anh đã có một hình bóng khác chính thức ngự trị: Huế Anh.

“Tuy hơi xót xa sau pha tỏ tình ấy, nhưng lập trường của tôi vẫn muốn khuyên các ông: thích đứa nào thì... tới luôn đi! Không phải giấu giếm, ngập ngừng gì cả!”

“Hoan hô chú bộ đội!”

Cuộc “chém gió” của mấy thằng bạn cũng khiến Ngôn suy nghĩ. Cho đến lúc này, anh chưa mở miệng nói lời nào trong lòng mình với Huế Anh. Không hẳn là do nỗi nhát nhát của Ngôn, tất nhiên thực hiện việc đó với anh thật vĩ đại và không hề dễ dàng. Nhưng lý do khiến Ngôn chưa bộc bạch chính là không muốn cô bé quá bất ngờ. Ngôn mường tượng trong đầu rằng: sau một thời gian quen biết, đủ hiểu nhau hơn, đủ để cô bé sẵn sàng hơn, anh sẽ chính thức thổ lộ. Anh có cảm giác như mình đang cầm trên tay một quả cầu thủy tinh mỏng manh, chỉ sợ một sơ suất nào đó sẽ khiến quả cầu vỡ tan. Anh luôn cố gắng nâng niu trân trọng quả cầu ấy, muốn ôm quả cầu ấy vào lòng mình, nhưng với một sự thận trọng và nhẹ nhàng nhất có thể. Anh muốn mình hiểu hơn một chút về cô, và để cô hiểu hơn về anh, trước khi một mối quan hệ như ý sẽ bắt đầu.

Anh lo xa và tính toán cho kế hoạch của mình.

Kết thúc buổi học, Ngôn và các bạn bước ra khỏi nhà K. Anh muốn đi vòng qua con đường quanh khu thư viện và sân vận động trước khi rẽ vào chợ sinh viên gần khu giảng đường A1, A2. Đoạn đường chạy dọc từ nhà K đến tòa thư viện là khoảng không gian sạch sẽ và lãng mạn nhất của trường Sư phạm. Mặt đường bẳng phẳng, hầu như không có chút rơm rác hay dấu vết mấp mô nào. Một bên lề đường là vườn cây xanh mát với bãi cỏ tươi mơn mởn có đặt tượng mười hai con giáp chế tác bằng đá ong thật ngộ nghĩnh. Dưới bóng những cây lộc vừng phủ tán rộng ra gần hết vỉa hè, người ta có một nơi lý tưởng để ngồi nghỉ, trò chuyện với nhau. Không phải vô cớ mà sinh viên gọi nơi đây là “con đường tình yêu”. Đó đúng là con đường đợi chờ, gặp gỡ, tâm sự của những người đang yêu. Họ ở bên nhau một buổi chiều nào đó, một buổi tối nào đó. Họ yêu nhau nơi “con đường tình yêu”.

Cũng có những người ngồi một mình ở đó. Có thể đang nghĩ rằng nửa kia của họ sẽ chui từ kẽ gạch vỉa hè lên.

Ngôn đi ngang qua một đôi tình nhân. Anh con trai mặc áo trường Xây dựng, tay ôm đàn ghita. Còn cô gái nhìn thoáng qua kiểu vai áo đặc trưng là biết ngay cô giáo tương lai của Sư phạm đang chăm chú nhìn và lắng nghe người yêu chơi đàn.

“Từ khi quen em, anh đã biết bối rối

Vì những lúc thoáng nghe em cười

Anh đã biết con tim

Yêu em mất rồi

Người yêu ơi, xin em chớ quên...”

Ngôn thích thú trước những gì mình đang thấy và đang nghe. Anh không những yêu mến giai điệu lãng mạn nhẹ nhàng của bản tình ca, mà còn trân trọng những câu từ, ý tứ của lời hát. Anh nghe, và hát thầm trong lòng... Tâm hồn anh rộn lên tựa như môi miệng đang mỉm cười, đôi mắt đang bừng sáng. Anh nghĩ về mình, nghĩ về Huế Anh. Dường như người nhạc sĩ sáng tác bản tình ca ấy đang viết nên câu chuyện giữa anh và cô vậy: những giây phút bối rối trước nụ cười thiên thần, những xao động của con tim trong mỗi khoảnh khắc nhìn ngắm, tơ tưởng,... Có niềm vui nho nhỏ sống động đang bừng nở trong trái tim, tâm hồn Ngôn: anh đang yêu.

Những làn gió đang trở nên xinh đẹp hơn...

... Và những viên gạch lát đang gần nhau hơn...

* * *

Không biết ai đã dành riêng khu chợ Xanh cho sinh viên mà nơi đây tấp nập bước chân của những người trẻ. Chủ yếu là sinh viên Sư phạm và Quốc gia, vì họ học ở gần đây nhất. Cũng có khi thấp thoáng những chiếc áo Bách khoa, Xây dựng, hay đồng phục lớp nào đấy thuộc Giao thông hoặc Mỏ,… Họ đi chơi, đi mua sắm cùng người yêu, hoặc tụ tập bạn bè vào một quán chè trong một ki-ốt nào đó. Những dòng người đi lại giữa đường chợ chìm ngập trong tiếng chào mời nô nức của những người bán hàng. Quần áo là thứ được bày bán nhiều nhất ở đây. “Áo 20K”, “Quần bò giá tốt”, “Áo sơ-mi 80K”… Cũng có hàng loạt các cửa hàng bày la liệt cặp sách, balô, dây lưng, ví da,… Thỉnh thoảng, khách đi chợ sẽ gặp những ki-ốt chuyên kinh doanh ốp điện thoại hoặc tranh thêu chữ thập. Và còn nhiều, nhiều những thứ hàng khác. Nhưng tất cả sẽ đều buồn tẻ nếu thiếu đi hương vị từ những quầy hàng di động của xúc xích nướng, nem chua rán, phô mai chiên, cóc dầm, ổi dầm, xoài dầm muối ớt,…

“Chị ơi, gói giúp em món này.”

Người chủ cửa hàng lưu niệm nhận lấy chú thỏ châu Âu mà Ngôn đã làm mấy tuần trước. Chị ta cảm thấy thích thú và ngắm nghía một lúc.

“Em tự làm nó đấy à? Hay thế.”

“Vâng ạ.”

Ngôn hình dung ra niềm vui sẽ hiện lên trên môi mắt Huế Anh khi cô nhận món quà. Chú thỏ được làm từ giấy bìa cứng, được cắt dán thành khối không gian ba chiều chắc chắn. Những ngón chân khum khum thật đáng yêu. Đôi mắt mở to long lanh cùng với dáng đầu ngẩng lên nhìn thẳng khiến chú thỏ tỏ ra tinh anh và thanh tú. Có lẽ ai cũng sẽ dậy lên một niềm vui yêu đời khó tả khi nhìn ngắm chú thỏ trước mặt.

Chị chủ cửa hàng đã gói xong hộp quà đựng chú thỏ. Ngôn thanh toán tiền công rồi bước ra khỏi cửa. Anh lại hòa mình vào không khí nhộn nhịp nơi những bước chân dập dìu của dòng người dạo quanh. Món quà đã hoàn tất, nhưng làm sao để hẹn gặp em ấy được đây? Mấy hôm nay, Huế Anh không đến lớp tiếng Pháp. Ngôn nhắn tin trên Facebook thì chưa thấy xuất hiện dòng chữ “đã xem” – Huế Anh không thường xuyên “online”. Đã thế, Ngôn lại quên xin số điện thoại của cô từ những buổi gặp trước. Tính đãng trí lúc này khiến anh tự giận mình một cách khó tả...

“Áo sơ-mi, quần bò, em ơi!”

“Vào mua hàng chị đi em! Hàng mới về nè em!”

“Quần bò hàng anh rẻ lắm em ơi! Mua đi em ơi!”

Hàng loạt những tiếng chào mời đổ xô ra khi Ngôn bước qua từng cửa hàng. Nhưng anh lắc đầu, hoặc giả điếc như không nghe thấy họ nói, cứ nhìn thẳng và bước tiếp. Một phần vì không có tiền để mua sắm, một phần vì anh đang mải suy nghĩ về...

Bỗng nhiên trước mắt Ngôn, Huế Anh xuất hiện. Cô đang đi chơi cùng một người bạn gái nữa. Ngôn mở to mắt ra hơn, và chắc chắn không có hàng cây lá đỏ nào ở đây cả. Mọi thứ, mọi người ở đây đều là thật. Và Huế Anh phía đằng kia cũng là thật.

Miệng Ngôn không kìm được nụ cười rộng mở. Có những đợt pháo hoa nào đó nổ đùng đùng trong lòng anh.

Và ánh mắt Huế Anh bắt gặp Ngôn. Cô nở một nụ cười thật tươi cùng đôi mắt bồ câu kiều diễm.

“Anh Ngôn! Anh đi shopping đấy à?”

Bước đến gần hai cô gái, Ngôn giơ tay trái lên chào theo thói quen.

“Chào các em!”

“Em chào anh ạ!” Cô bạn đi cùng Huế Anh nói với Ngôn rồi quay sang Huế Anh. “Anh nào đấy bà?”

“Anh tôi đấy! Học cùng lớp tiếng Pháp! Hi hi!”

“Ù uôi... Làm tôi cứ tưởng bà quyết định rời bỏ hội FA của lớp mình chứ!”

“Ha ha ha! Anh Ngôn ơi, đây là Ngọc, chủ tịch hội đồng bất trị của lớp em hồi phổ thông. Hi hi.”

Ngôn không ngờ cái vẻ đăm chiêu nghiêm nghị của anh đã bốc hơi đâu mất từ khi gặp người trong mộng của anh. Huế Anh cũng vui tính, nhưng thông minh và hoạt bát hơn anh một chút.

“Các em vừa tan học à?” Ngôn hỏi một câu xuất hiện ngẫu nhiên trong đầu anh đang khi có vô số những rộn ràng, bối rối cứ rung lắc quả tim anh.

“Không, bọn em bùng giờ!” Cả hai cô gái đồng thanh rồi cùng cười với nhau.

Huế Anh nói tiếp:

“Ngọc học Ngoại ngữ bên này. Nó bảo em tụ tập một buổi ‘huyền thoại’ chợ Xanh cho biết. Thế là em bắt chuyến xe từ Nguyễn Trãi lên đây chơi. Này, hôm nào bà với tôi đi chợ đêm Phùng Khoang nữa nhá.”

“He he. Chè bà khao đấy.”

“Ô tê.”

Ngôn chỉ biết nghe và ngắm nhìn những nét tinh nghịch của hai cô gái. Anh vẫn chưa biết kiểm soát nỗi niềm của mình sao cho thật... bình thường.

“Ối chết con pét nhà tôi rồi...!” Bỗng nhiên Ngọc thốt lên.

“Sao thế bà?”

“Rơi cái ví ở đâu ấy!”

“Chết thật! Bà kiểm tra kỹ lại cặp chưa?”

“Rồi! Không có. Giữa chợ này mà bị móc thì có nước vỡ mồm!”

“Hay là ở quán chè lúc nãy?”

“Ừm. Chắc thế. Nhưng cả chiều bọn mình lượn quanh nhiều chỗ. Không biết có phải để quên ở đó không nữa... Để tôi quay lại tìm xem sao.”

“Bọn tôi đợi bà ở đây nhé.”

“Thôi, hai người cứ đi trước đi. Tôi đi tìm cái ví chắc cũng một lúc lâu đấy.”

“Chắc trong đó có ảnh người thương hả?”

“Vâng, người thương. Thương hai ‘củ’ của tôi đấy bà nội! Đi đây. Chào anh Ngôn nhé.”

Ngôn cũng chào lại:

“Tạm biệt em! Good luck!”

“Cám ơn anh ạ. Tí nhờ anh đưa nó về nhà lành lặn giúp em.”

“Ô kê. Chắc chắn vẫn đủ mắt mũi.”

Chỉ còn lại Ngôn và Huế Anh. Hai người đi tiếp trên con đường chợ. Những ki-ốt hàng hóa vẫn đông đúc và nhộn nhịp, nhưng dường như không có âm thanh nào lọt vào tai Ngôn, không một người nào hay quầy hàng nào để lại hình ảnh trong các nơ-ron thần kinh của Ngôn. Tâm trí anh giờ đây tràn ngập cảm giác có Huế Anh bên mình. Anh mường tượng lại hàng cây lá đỏ, hồ nước xanh gợn mà anh đã thấy trong giấc mơ. Những hình ảnh ấy không có thực ở hiện tại, nhưng gió và nắng thì dường như đang ủng hộ anh. Có chút se lạnh của khí trời mùa thu. Có chút gió khẽ đùa bên làn tóc mỏng manh lượn sóng trên mái đầu Huế Anh.

“Anh Ngôn đi chơi một mình à?” Huế Anh hỏi.

“Ừ. Anh đi một mình.” Ngôn nói. “Thực ra lúc nãy thì một mình. Còn bây giờ là hai mình.”

Huế Anh cười.

“À mà dạo này anh không thấy em đến lớp?”

“Lớp cô Thùy ạ? Ôi, cũng gần một tháng rồi. Dạo này trên lớp em căng quá anh ạ. Em phải vùi mình trong đống bài dịch, lại còn tập kịch cùng nhóm trong câu lạc bộ ở khoa nữa. Choán hết cả thời gian đến lớp cô Thùy anh ạ.”

“Em học chăm chỉ ghê.”

“Chăm chỉ gì đâu anh.” Huế Anh bẽn lẽn. “Em cũng bình thường thôi. Chắc đợt vừa rồi anh Ngôn cũng giỏi tiếng Pháp lên nhiều ấy chứ?”

“Ừ, anh có khá hơn. Anh có thể nói chuyện với người Pháp bằng tiếng ‘anh’.”

“Uầy. Tiếng của anh. Hi hi. Chắc chắn ông đó sẽ hiểu rằng anh đang nói tiếng Đức.”

“Ha ha. Và nếu em chứng kiến cuộc hội thoại ấy thì sẽ có cơ hội tách ông ấy và anh khỏi một trận ẩu đả đấy.”

Huế Anh cười. Còn Ngôn thì đang nở hoa hạnh phúc trong lòng. Anh chợt nhớ rằng ngày mai là hai mươi tháng mười. Cơ may của anh chỉ có lần này mà thôi. Hai người đã bước ra khỏi con đường đông đúc của chợ Xanh và đứng trên vỉa hè đường Xuân Thủy.

“Huế Anh ơi. Những hôm trước anh có một việc muốn nói với em mà không có số điện thoại để liên lạc. Còn trên ‘phây’ thì... hình như lâu rồi em chưa lên?”

“Vâng ạ. Em bận quá. Anh lưu số em vào này: 01685438766.”

“Ô kê. Anh lưu đây.” Ngôn bấm số rồi nhấn gọi luôn. “Số anh đấy nhé.”

“Vâng ạ. Mà anh có việc gì vậy?”

“À... Cái này...”

Ngôn bắt đầu mở cặp, lấy ra hộp quà vừa gói trong hàng lưu niệm khi nãy.

“Wao! Cái gì đây ạ? Không phải tặng em đấy chứ?” Mắt Huế Anh thêm to tròn.

“Tất nhiên là tặng em rồi. Nhân dịp... ngày mai!” Ngôn cười.

“Ngày mai ạ?... Hai mươi tháng mười à anh? Ôi, cám ơn anh nhé. Được chúc mừng sớm thế này. Em có nên bóc ra xem ngay không nhỉ?” Huế Anh cười rạng rỡ.

“Tùy em. Hi hi.”

“Thôi em để về nhà mới bóc. Chắc chắn đây là một món quà rất tuyệt vời... Cám ơn anh nhiều nhé.”

Ngôn dẫn Huế Anh đến một quán nước gần đó. Hai người trò chuyện một lúc thật lâu rồi tạm biệt. Trên đường trở về chỗ gửi xe trong trường, Ngôn cứ tủm tỉm tự cười một mình. Và trong tâm trạng cao hứng vì dư âm của những phút hạnh phúc vẫn còn vương vấn, anh khẽ hát lên tự chúc mừng mình:

“Từ khi quen em, anh đã biết bối rối

Vì những lúc thoáng nghe em cười

Anh đã biết con tim

Yêu em mất rồi

Người yêu ơi, xin em chớ quên...”

Chương 4: Những Chuyện Tình Thơ Ngây

“Ngôn này, chú Dũng muốn nhờ mày dạy cho con chú đấy.”

Bố Ngôn nói xong, khum khum bàn tay chắn gió để bật lửa. Hít một hơi thật sâu, ông nheo mắt, phả luồng khói thuốc lá vào không khí. Luồng khói cuộn tròn rồi tan biến.

“Con chú Dũng lớp mấy vậy bố?”

“Lớp 6.”

“Con chỉ dạy môn Toán thôi đấy. Bố có nói vậy không?”

“Có. Con bé nhà đó mới chuyển cấp nên lóng ngóng môn Toán lắm.”

“Vâng ạ. Nhiều cái khác lạ mà. Bố cho con số chú ấy.”

“Đây, mày xuống đây tìm trong danh bạ này. Bố mắt kèm nhèm lắm.”

Ngôn từ trên gác bước xuống, tìm số điện thoại chú Dũng trong máy bố và lưu vào máy mình.

“‘Dũng ba bánh’ nhé.” Bố Ngôn và chú Dũng vẫn hay hợp tác chở hàng bằng xe lam. “Nhà chú ấy ở ngõ 54 Trần Khát Chân.”

“Vâng ạ. Còn lịch thì chú có nói gì không bố?”

“Con chú ấy rỗi tất cả buổi tối. Mày có muốn chọn ngày nào thì chọn, nhưng gọi điện trước cho cô chú.”

“Vâng ạ.”

Sang tháng 11, Ngôn bắt đầu đi dạy gia sư cho cô con gái chú Dũng, người bạn làm ăn vẫn thường hay nhờ bố Ngôn chở hàng. Với anh, kiến thức toán lớp 6 cũng bình thường thôi, không có gì khó khăn to tát cả. Nhưng cô học trò của anh thì quá non nớt và không được sáng dạ cho lắm. Tuy nhiên, điều thuận lợi cho Ngôn là từ lần tiếp xúc của buổi học đầu tiên, cô bé rất quý Ngôn và thích cách giảng bài của anh: thật hiền hòa và từ tốn. Cô bé không bướng bỉnh, đanh đá; trong mọi câu chào hỏi hay trả lời Ngôn, đều rất lễ phép lịch sự. Chú Dũng và cô Phương, vợ chú, là những người rất quý mến con người trí thức như Ngôn. Một gia đình có nề nếp, gia giáo. Họ tìm chọn cho con được học ở trường tốt, lớp ngoan; mỗi ngày cô con gái tan học là lại thấy mẹ đứng đợi sẵn ở cổng trường đón về; lịch học, lịch nghỉ của con, họ đều nắm được hết. Ngôn nghe cô Phương kể chuyện như vậy, và qua sự quan sát của mình, anh cũng nhận thấy không khí tốt lành, bình an nơi mái ấm này. Anh trân trọng sự chăm sóc, dạy bảo con cái của bố mẹ cô bé. Nhưng trong thâm tâm, anh có chút lo lắng cho cô học trò của mình. Anh so sánh cô bé với anh, và dường như có nhiều điểm tương đồng. Sự bao bọc quá kỹ lưỡng dành cho con cái của các bậc phụ huynh như một cánh cửa thép bảo vệ chắc chắn. Nó ngăn ngừa mọi kẻ xấu xâm nhập và mọi yếu tố làm tổn hại đến tâm hồn trong trắng của các em. Nhưng nó lại là một trở ngại không nhỏ để các em có thể nhìn ra thế giới, mở rộng và phát triển tối đa các năng lực bẩm sinh của mình. Ngôn nhìn lại mình cũng giống như một chú gà choai nhốt hoài trong lồng, đến khi lớn tướng rồi mới ra ngoài chạy loăng quăng, tìm kiếm và học hỏi cuộc đời. Anh tự nhận thấy mình còn nhiều kém cỏi về những kỹ năng đối nhân xử thế, giao tế với tha nhân. Anh vẫn đang nỗ lực lao mình ra với cuộc sống, học hỏi xã hội và điều chỉnh bản thân để sớm thoát khỏi cái tù túng của tầm mắt hạn hẹp nơi mình. Nhìn bé Thu, học trò của anh, Ngôn ước mong sao cô bé có thể tiếp cận và động chạm đến cuộc đời sớm hơn anh, để dần dần đủ cứng cáp, đứng vững trong đời. Nhưng anh chỉ suy tư như vậy, tất cả chỉ là nội tâm, bởi lẽ anh chỉ là một phần của tuổi thơ Thu, chỉ là một người anh, người thầy gia sư, chứ không phải là bố mẹ của cô bé.

“Bây giờ Thu hãy xem nhé: 2 + 3 = 5; 2 = 5 - 3. Đó là ví dụ thứ nhất. Bây giờ anh cũng có 2 x 3 = 6; 2 = 6 : 3. Đó là ví dụ thứ hai. Vậy em thấy ở từng ví dụ, có các phép tính gì?”

“À... Em thưa anh, có một phép cộng và một phép trừ ở ví dụ thứ nhất. Có một phép nhân và một phép chia ở ví dụ thứ hai ạ.”

“Ô kê!” Ngôn xắn tay áo, cầm viên phấn vẽ mũi tên theo lời giảng giải của mình. “Đó chính là những phép tính ngược của nhau. Chúng ta sẽ nhận thấy ở đây: một ‘số nhỏ’ cộng một ‘số nhỏ’ được một ‘số to nhất’; một ‘số nhỏ’ nhân một “số nhỏ” được một ‘số to nhất’. Vậy nếu em muốn tìm một trong hai ‘số nhỏ’ của phép cộng, em chỉ việc lấy ‘số to’ trừ đi ‘số nhỏ’ kia. Đúng không nào? Phép trừ chính là phép tính ngược của phép cộng. Nhân và chia cũng như vậy. Ngược nhau. Làm thử cho anh bài này xem nào.”

Ngôn viết lên bảng một phép tính cộng. Số x phải tìm ở vị trí số hạng. Thu chép đề bài xong, giải ra được kết quả.

“Đó, mỗi khi em gặp phép tính cộng hay nhân mà yêu cầu tìm số nhỏ, là chỗ này, chỗ này này...” Ngôn chỉ những số hạng và thừa số trên bảng. “... Em chỉ việc liên tưởng đến phương pháp phép tính ngược của anh nhé.”

“Vâng ạ.”

“Với phép trừ và chia cũng vậy, em sẽ lật ngược lại thành cộng và nhân. Tuy nhiên, cực kỳ chú ý một ngoại lệ! Anh cho em ví dụ nhé: 8 – x = 3. Vậy em có dùng phép tính cộng để tìm x không?”

“Có ạ. Em sẽ lấy 3 cộng 8... À không, không được ạ.”

“Đúng rồi. Phải đặc biệt chú ý hai trường hợp: khi tìm số trừ và số chia, mình sẽ không dùng phép tính ngược. Mình phải tưởng tượng xem số nào là ‘số to’ và số nào là ‘số nhỏ’ để rồi khi tìm ‘số nhỏ’ thì phải lấy ‘số to’ trừ đi hoặc chia đi ‘số nhỏ’ thứ hai nhé. Nghĩa là không dùng phép tính ngược để tìm số trừ và số chia!”

“Em nhớ rồi ạ.”

Mỗi lần giảng giải cho bé Thu, Ngôn căng hết các sợi dây thần kinh ra để chỉ huy cho suy luận và miệng lưỡi của mình. Anh là một người cực kỳ nhẫn nại. Vì để giúp cho một cô bé chậm tiếp thu như vậy hiểu được bài, chỉ có duy nhất một đức tính cần thiết nhất nơi người giảng viên chính là nhẫn nại. Có những bài toán cùng một cách thức giải quyết nhưng Thu lại không nhớ phương pháp để áp dụng cho đúng. Phải qua hai ba buổi học, phải qua hơn năm bảy lần nhắc đi nhắc lại cách làm, Thu mới có thể giải thành thạo các bài toán cơ bản.

Kết thúc mỗi giờ học, Ngôn luôn ngồi lại trò chuyện với cô bé một hồi để hiểu rõ hơn về các vấn đề trường lớp hay chương trình học-chơi-ăn-ngủ ở nhà mà bố mẹ Thu đã đặt ra cho em. Anh lắng nghe cả tất cả những câu chuyện cô bé hồn nhiên kể, giải đáp tất cả những thắc mắc về kiến thức khoa học hay yêu cầu lạ lùng nào đó của các thầy cô trên trường,... Cũng có những lần, Thu lại được làm thính giả thưởng thức những câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười thú vị của Ngôn. Đôi khi một màn ảo thuật nhỏ của “anh thầy” cũng làm Thu lưu luyến mãi...

Sau khi chào cô Phương, Ngôn phóng xe ra về. Ánh đèn chiếu từ xe anh tỏa sáng một góc ngã ba. Những con ngõ ở Trần Khát Chân thật là ghê rợn với độ dốc hiểm trở khôn lường. Nếu xe máy, xe đạp bị hỏng phanh hoặc chạy yếu, thể nào cũng bị lao tuột về xuống cuối chân dốc tối hù. Về số hai, chiếc Wave Alpha của Ngôn ồ ồ phi ngược trên triền dốc có lẽ phải nghiêng bốn mươi lăm độ – như một con bò điên đang thời sung sức, rồi đâm bổ ra trục đường chính. Ngôn muốn sắm một chiếc máy quay phim để ghi lại những hình ảnh này lắm. Anh hình dung đoạn video mình tải lên mạng sẽ thu hút hàng nghìn lượt xem, với tiêu đề: “Có một Hi-ma-lay-a bên sườn Hà Nội!”

Bon bon trên đường Đại Cồ Việt, anh tranh thủ ngắm nhìn những khoảng không gian lộng gió và rực sáng ánh đèn. Lần nào cũng vậy, trước mỗi khung cảnh hùng vĩ, anh luôn dùng hết mọi cảm quan để tận hưởng những vẻ đẹp tuyệt vời như đang dâng lên và tràn ngập tâm hồn. Lao đi trên cây cầu vượt bắc vuông góc với các con đường Bạch Mai, Phố Huế, anh thấy mình như đang được nhấc bổng lên không trung, để mặc cho luồng gió mát lạnh của khí trời tháng mười một lướt trên những vành tai và cánh tay mình một cách sảng khoái. Nếu như bộ chip tự điều khiển xe gắn máy trong tưởng tượng của anh có thật trên đời thì có lẽ trong giây phút này, anh đang đưa mắt rảo khắp ba trăm sáu mươi độ của tầm nhìn mà tận hưởng...

Giá mà có một người nữa cũng đang ở bên, và cùng chung niềm hạnh phúc này đây với mình thì thật tuyệt diệu biết bao!... Trong tâm trí Ngôn bỗng hiện lên hình ảnh Huế Anh. Ngôn cảm thấy nhớ cô. Đã mấy tuần rồi chưa gặp lại, nhưng hình ảnh khuôn mặt thon thon và đôi mắt dịu dàng của cô vẫn in đậm trong tâm trí Ngôn. Không biết giờ này cô đang làm gì? Có lẽ đang học bài? Đọc sách? Hoặc lướt mạng? Xem phim?... Anh không biết hiện giờ cô đang vui buồn ra sao, cười nói thế nào, nhưng đối với anh, mỗi khi nhớ đến cô, như trong giây phút này, đều khiến lòng anh bừng lên một nỗi niềm hạnh phúc khó tả. Anh vui vì được biết cô trong đời và cảm thấy may mắn vì từng được ngắm nhìn từng làn tóc, bờ mi của cô. Anh thấy cuộc sống của mình đáng quý hơn vì biết yêu mến cô.

“Từ khi quen em, anh đã biết bối rối

Vì những lúc thoáng nghe em cười

Anh đã biết con tim

Yêu em mất rồi

Người yêu ơi, xin em chớ quên...”

Về đến nhà, nhìn thấy mâm cơm mẹ đã dọn sẵn, có đậy lồng bàn, nhưng Ngôn chưa vội. Anh không thấy đói – có lẽ chỉ cần nhớ đến Huế Anh thôi đã đủ no rồi. Quẳng chiếc cặp qua một bên, anh ngồi phịch xuống ghế đệm, rút điện thoại từ trong túi quần ra, bấm bấm tin nhắn. Anh chọn lọc chi li từng từ từng chữ để viết, và hình dung nếu mình là người đọc thì liệu có dịch được không. Viết hoàn chỉnh một đoạn tin rồi, anh lại nhấn lên trên đầu để đọc toàn bộ hai lần nữa. Cuối cùng, tin nhắn đó không được gửi đến bất kỳ một cái tên nào trong danh bạ, vì số điện thoại của người nhận ấy, Ngôn đã thuộc nằm lòng từ buổi chiều ngày mười chín tháng mười rồi.

“Thỏ đang làm gì đấy em? Ăn cơm chưa? Anh mới đi dạy về này. Mời em cùng xơi cơm nhé.”

Cái nickname “Thỏ” được anh đặt cho Huế Anh, kể từ khi cô vui mừng nhận được món quà của anh. Buổi tối hôm ấy, về phòng, bóc quà ra, cô hết sức ngỡ ngàng và ngồi ngắm nghía chú thỏ mãi. Cô khâm phục bàn tay khéo léo của Ngôn và tự hỏi không biết anh đã làm thế nào để có thể dựng được hình khối chú thỏ đáng yêu này bằng giấy được. Và từ khi nhận được lời cám ơn của Huế Anh, mỗi ngày Ngôn đều gửi ít nhất một hai tin trò chuyện với cô. Khi thì hỏi thăm sức khỏe, khi thì nói về chuyện học tập hoặc hỏi han về một số từ vựng trong tiếng Pháp – những thứ sẵn có trên mạng. Có những hôm “bí” chủ đề, anh đợi đến mười giờ rưỡi tối để chúc cô ngủ ngon. “Chúc Thỏ ngủ ngoan nha. ^^” Hoặc “Thỏ đắp chăn ấm và mơ đẹp nhé. ^^” Và rồi tự cười tủm tỉm một mình khi đọc được dòng hồi âm: “Anh Ngôn khò đều đặn ạ.”

Có vẻ như muốn căn thời gian thật chuẩn với lúc Ngôn đã xong bữa cơm, Huế Anh trả lời tin nhắn:

“Em ăn rồi ạ. Anh đi đường có bị mưa không ạ?”

Hóa ra lúc nãy, trong khi mải ngắm nhìn đường phố và tưởng tượng ra Huế Anh đang ngồi sau lưng mình, Ngôn không để ý có chút mưa bay bay trên vai áo anh.

“Không, anh nhớ một người đến nỗi không biết mình về lúc nào nữa kia.”

“Hi hi. Ai mà có phúc thế không biết? Mai thứ bảy đấy, anh có đi chơi với chị ‘gấu’ không?”

“Không, anh chẳng có ‘gấu’ nào cả. Anh chỉ có thỏ thôi.”

“Thôi, em đi nhúng nước rồi khò đây. Chúc anh ngủ ngon nhé.”

“Uhm, chúc em ngủ ngon và mơ thấy anh...”

“Hik. Mơ thấy em còn không dễ, nói gì là mơ thấy anh. Bye anh nhé.”

“Bye em. Have a sweet dream...”

Vẫn thói quen cũ, sau khi kết thúc cuộc “chat” qua tin nhắn, Ngôn mở lại các tin đầu tiên của Huế Anh để đọc, dường như có bữa cơm “tăng hai” vẫn luôn dọn sẵn cho anh nhấm nháp vậy. Thỉnh thoảng anh còn đọc lại các tin trong mục “hộp thư đi” để xem mình đã viết những gì và liệu cảm nhận của em ấy sẽ ra sao... Rồi tự cười tủm tỉm, sướng sướng...

* * *

Nhìn bé Thu với khuôn mặt trái xoan xinh xinh cùng chiếc gọng kính đen dày, Ngôn nhớ lại thời niên thiếu của mình, một thời ngây ngô, trong sáng. Ở độ tuổi ấy, con trai phát triển sau con gái một quãng xa: người ngợm còn nhỏ nhắn, vẫn mang trên mình đôi vai thon nhỏ của một “cậu bé” chứ chưa được vạm vỡ và rộng chắc của một “chàng trai” thực thụ. Hồi ấy, thằng nào hay chơi với con gái thì sẽ bị trêu chọc là... “bê đê” ngay! Nhiều đứa còn “sợ” phải chạm vào người con gái, dù chỉ là đặt tay lên vai khi xếp hàng. Các “cậu bé” vẫn đang là các “cậu bé”, vẫn hồn nhiên vô tư chơi đùa, đuổi bắt nhau, chạy khắp sân trường với tốc độ phi thường, đôi khi khiến các thầy cô giáo đang dạo bước ngang qua với tập sách trên tay, phải giật mình đứng lại nhường đường cho các “trâu con”. Còn các cô nàng, khi ấy đã bước vào tuổi dậy thì, đã biết làm duyên làm dáng, đã dần biết tơ tưởng đến chuyện tình cảm yêu đương. Dĩ nhiên các “đấng mày râu” cùng tuổi bấy giờ chưa lớn, vẫn còn trẻ con lắm, và không thể lọt vào những trái tim hồng kia được. Các nàng để ý đến những anh lớn học các lớp trên, thường là lớp 8 hoặc 9, đôi khi còn có người yêu ở một trường cấp ba nào đó.

Phan_1
Phan_2
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .